Sức trẻ ở Than Khánh Hoà

Sức trẻ, nhất là sáng tạo trẻ đang được Ban lãnh đạo Công ty coi là một động lực quan trọng, góp phần cho đơn vị duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những năm gần đây. ĐVTN hiện chiếm gần 1/3 tổng số cán bộ công nhân viên của Công ty và đang tiếp tục được bổ sung do nhu cầu mở rộng sản xuất, 19 cán bộ quản lý đang trong độ tuổi Đoàn (chiếm 26%). Tại bất kỳ bộ phận nào của Công ty, chúng tôi cũng dễ dàng tìm gặp những tấm gương ĐVTN là cán bộ quản lý hay công nhân lao động sản xuất g

Phòng Kỹ thuật của Công ty có 27 người thì có tới 23 người là đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), đảm nhận việc tham mưu chính cho lãnh đạo Công ty hoạch định các kế hoạch phát triển từ ngắn hạn đến dài hạn. Anh Hoàng Kiều Hưng, sinh năm 1982, nguyên Trưởng phòng (được bổ nhiệm Phó phòng từ năm 2008), mới nhận nhiệm vụ Quản đốc Phân xưởng khai thác lộ thiên từ ngày 1/3/2013, say sưa mô tả cho chúng tôi nghe những sáng kiến của tập thể và các cá nhân trong Phòng đã được áp dụng vào thực tế, mang lại giá trị thiết thực. Đó là sáng kiến xây dựng đường nước tự chảy để cung cấp nước chống bụi và phòng chữa cháy trong hầm lò. Lợi dụng sự chênh lệch độ cao giữa suối nước tự nhiên bên ngoài với moong khai thác, các kỹ sư trẻ của Phòng Kỹ thuật đã mày mò nghiên cứu để rồi xây dựng phương án thiết kế đường nước tự chảy vào moong, trước đó nước được bơm vào xe téc để chở đến từng địa điểm. Sáng kiến này (áp dụng từ năm 2011) tiết kiệm chi phí cho Công ty mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.

Anh Hưng cho biết thêm, có những sáng kiến khó có thể tính được giá trị làm lợi thành con số tuyệt đối. Như sáng kiến quan trắc dịch động bãi thải nhằm đề phòng sạt lở mới đưa vào áp dụng. Các cột bê tông được cố định tại những vị trí phù hợp làm cho kết quả trắc địa dịch động của bãi thải đạt độ chính xác cao, qua đó sẽ có những cảnh báo kịp thời cho người dân xung quanh khu vực và giúp chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa sạt lở nếu có nguy cơ. Hoặc sáng kiến khoan lỗ vào vách hầm để lắp nhiệt kế theo dõi sự tăng nhiệt trong hầm lò, phòng sự cố cháy nổ (than Khánh Hòa có đặc tính dễ cháy), cách làm này chưa từng được áp dụng trong ngành khai thác than của Việt Nam. Đây cũng là kết quả của cuộc thực tế học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản của anh Hoàng Kiều Hưng và các cộng sự trẻ tuổi. Tuy nhiên nếu áp dụng theo công nghệ Nhật Bản thì chi phí sẽ rất cao, mỗi máy đo nhiệt độ hầm lò có giá trên 100 triệu đồng (trong khi một vị trí khoan và đặt nhiệt kế theo sáng kiến này có chi phí 100 nghìn đồng). Từ khi áp dụng (tháng 5/2011) đến nay, hệ thống nhiệt kế đã phát hiện chính xác 2 lần có nguy cơ cháy hầm lò (nếu xảy ra cháy nổ hầm lò thì thiệt hại về người và tài sản sẽ rất khôn lường)…

Không chỉ những cán bộ kỹ thuật trẻ tuổi mà cả những ĐVTN là công nhân trực tiếp lao động sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên than Khánh Hòa cũng luôn thể hiện tinh thần sáng tạo. Tại Phân Xưởng khai thác lộ thiên, anh Nguyễn Tuấn Anh sinh năm 1986 làm công nhân được 3 năm thì 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, mới đây, anh đã có sáng kiến nắn lại đường dẫn dầu cho máy khoan, giúp tiết kiệm nhiên liệu và chi phí sửa chữa. Trường hợp khác là anh Vũ Trung Kiên, Tổ trưởng Tổ khoan 5, hầu như năm nào cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoặc đề xuất hợp lý hóa sản xuất được Công ty ghi nhận, đưa vào áp dụng…

Theo thống kê, từ năm 2009 đến hết năm 2011, ĐVTN Công ty TNHH Một thành viên than Khánh Hòa đã có 52 sáng kiến, ước tính làm lợi 15,6 tỷ đồng, riêng năm 2012, toàn Công ty có 64 sáng kiến (làm lợi 16 tỷ đồng), trong đó có không ít các sáng tạo trẻ.

Cùng với đó, sức trẻ và tinh thần cống hiến của các ĐVTN Công ty còn được thể hiện ở việc duy trì thường xuyên và rất có hiệu quả các mô hình như: “Đầu máy thanh niên đảm nhận”, “Thanh niên bảo vệ môi trường”, “Tổ xe máy thanh niên” hay “Tổ sửa chữa thanh niên”…