Vùng than Thái Nguyên đã được thăm dò và hoạch định khai thác theo các Nghị định ngày 30 tháng 5 năm 1913 và ngày 16 tháng 2 năm 1918 của Toàn quyền Pháp ở Đông dương. Việc ra đời vùng than Quán Triều – Làng Cẩm đồng nghĩa với sự xuất hiện công nghiệp khai thác than và sự ra đời của giai cấp công nhân vùng mỏ Thái Nguyên. Tại đây, đã khai thác được hàng vạn tấn than thời thuộc Pháp.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng mỏ than Quán Triều- Làng Cẩm (Thái Nguyên) được Chính phủ chú ý và coi đây là vùng tài nguyên quan trọng. Ngày 30 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 90 hủy bỏ các Nghị định của Toàn quyền Pháp tại Đông dương về khai mỏ, theo đó Bộ Quốc dân kinh tế Việt Nam đã chỉ đạo công việc khai mỏ từ năm 1946, khai thác than phục vụ cho các nhà máy, xí nghiệp quân giới như: Xí nghiệp quân giới ở Phan Bồi, Bản Thi (Chợ Đồn), Đầm Hồng ở Tuyên Quang, Nhà máy giấy Hoàng văn Thụ ở Thái Nguyên và một số công binh xưởng ở Bắc Kạn.
Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 24 tháng 9 năm 1949, Nha Khai khoáng và Công nghệ đã ra quyết định thành lập Xí nghiệp than Lam Sơn, bao gồm mỏ than Quán Triều (nay là mỏ Khánh Hòa) và mỏ Làng Cẩm. Đây là mỏ than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với đầy đủ tư cách pháp nhân và mô hình của một đơn vị công nghiệp Nhà nước. Ngày này trở thành ngày ra đời của Công ty than Khánh Hòa.
Trước ngày giải phóng Thủ đô, theo Hiệp định Giơ ne vơ, thực dân Pháp còn được ở lại vùng Hải Phòng, Hồng Quảng 300 ngày, nên không có than đưa từ Hồng Quảng về Hà Nội để phát điện. Cán bộ và công nhân mỏ than Quán Triều (mỏ Khánh Hòa) chỉ hơn 1 tháng đã khai thác được 1.320 tấn than, vận chuyển về cung cấp cho nhà máy điện Yên Phụ, đảm bảo cho Thủ đô hoạt động bình thường những ngày đầu giải phóng.
Hoà bình lập lại, miền Bắc bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, năm 1956 Xí nghiệp than Lam Sơn được chia tách thành 2 đơn vị là mỏ than Làng Cẩm và mỏ than Quán Triều.
Năm 1967, trong khí thế sục sôi chống Mỹ của quân và dân cả nước, Mỏ than Quán Triều – Thái Nguyên được vinh dự đổi tên là Mỏ than Khánh Hoà (tên của tỉnh Khánh Hoà kết nghĩa với tỉnh Bắc Thái), thể hiện tình cảm, tấm lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, cán bộ công nhân Mỏ than Quán Triều nói riêng với tỉnh kết nghĩa Khánh Hoà, với miền Nam ruột thịt. Trải qua các biến động về tổ chức, ngày nay Mỏ than Khánh Hoà là Công ty TNHH MTV than Khánh Hòa- Chi nhánh của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc- Vinacomin.
Thời gian đầu mỏ chủ yếu khai thác than bằng thủ công và tiếp sau đó mỏ được trang bị các thiết bị như: máy khoan tay, trục tời, máy bơm nước, máy xúc 0,6 m 3/gầu.
Năm 1966, sự kiện quan trọng đánh dấu những thay đổi cơ bản về cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỏ, Bộ Điện và Than đã điều từ mỏ Tĩnh Túc và mỏ Apatit về mỏ Quán Triều một số nhân lực và thiết bị. Cùng với các thiết bị này Mỏ thành lập thành 2 công trường, công trường khai thác thủ công và công trường khai thác cơ giới, đội ngũ công nhân lái máy và thợ sửa chữa cũng được tăng cường và cử đi đào tạo tại các trường CNKT, trường trung cấp và đại học nhằm đáp ứng kịp thời trình độ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sản xuất than.
Mỏ than Khánh Hòa trực thuộc Công ty than III (tiền thân của Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV-CTCP ngày nay), mỏ được mở rộng và phát triển. Theo đó, Mỏ Than Khánh Hòa đã có vị trí, vai trò đáng kể trên địa bàn Tỉnh Thái Nguyên cũng như nền kinh tế quốc dân. Thời kỳ này, Mỏ than Khánh Hòa đã nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Mỏ và Than và Công ty than III và được đầu tư các thiết bị hiện đại công suất lớn như: máy xúc E 2503, máy xúc EKG, xe ôtô Kpaz, xe tô tô Benlaz trọng tải 12-30 tấn, máy khoan KD20… với công suất khai thác khoảng 150.000 tấnTNK/năm. Ngày nay, Công ty than Khánh Hòa ngày càng được trang bị các thiết bị công nghệ mới. Đặc biệt là ngoài khai thác than lộ thiên truyền thống, Công ty triển khai khai thác than bằng công nghệ khai thác hầm lò. Sản lượng than khai thác ngày càng tăng. Trong 50 năm gần đây, từ năm 1970 Công ty than Khánh Hòa đã bốc xúc, vận chuyển 88,2 triệu mét khối đất đá, khai thác trên 11,4 triệu tấn than NK (than NK hầm lò 264.768 tấn), đào 8.540m lò, tiêu thụ hơn 10,5 triệu tấn than sạch. Hàng triệu tấn than đó đã tham gia sản xuất hàng triệu tấn xi măng và hàng tỳ kWh điện góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước trước đây và sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước ngày nay.
Trong đó, từ năm 2015 đến 2019: Khai thác trên 2.3 triệu tấn than nguyên khai, bóc trên 21 triệu mét khối đất đá, đào trên 4.213m lò, tiêu thụ 3,1 triệu tấn than, nộp ngân sách hơn 831,5 tỷ đồng.
Sản lượng than khai thác của Công ty được cung cấp cho Nhà máy điện Cao Ngạn, cho các nhà máy xi măng.
Để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, trong 9 tháng đầu năm 2019, Công ty than Khánh Hòa đã phấn đấu đạt được các thành tích đáng kể: Bóc đất đá đạt 3,472 m3 (đạt 74% KH năm); sản lượng than nguyên khai: 396,8 nghìn tấn (đạt 88% KH năm); sản lượng than sạch: 486,48 nghìn tấn (đạt 74% KH năm); tiêu thụ đá vôi cho các nhà máy xi măng: 589 nghìn tấn (đạt 77% KH năm); doanh thu đạt 614,6 tỷ đồng.
Với hơn 70 năm hình thành và phát triển, Công ty than Khánh Hòa với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc” xứng đáng là “Mỏ than ra đời đầu tiên trong chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” với tên Khánh Hòa- một biểu tượng của thời kỳ “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Liên kết mạng xã hội: