Mang tâm trạng không vui bởi suốt quãng đường từ Hà Nội lên Công ty than Khánh Hoà mưa xối xả – có lẽ các phóng viên “báo nhà” lại lỡ hẹn, không được mục sở thị moong than lộ thiên nơi “thủ đô gió ngàn” sau nhiều năm trở lại. Vậy mà như một sự may mắn khó lý giải, khi chúng tôi bước chân lên bờ moong cũng là lúc mưa đã tạnh, những ánh nắng trải vàng trên khắp các tầng than.
“Và con tim đã vui trở lại…” – lời bài hát cứ rộn ràng vang lên trong tâm trí hoà cùng niềm vui được chứng kiến một Than Khánh Hoà hôm nay – dẫu vẫn còn đó là không ít khó khăn, nhọc nhằn nhưng đã có những đổi thay không ngừng. Chắc hẳn bất cứ ai đã từng biết đến và gắn bó với nơi đây mới càng thấm thía rằng, để có những bước chuyển mình ấy là cả một sự nỗ lực vượt bậc và không ít những giọt mồ hôi, thậm chí cả máu đã đổ xuống…
Camera moong
Chỉ tay xuống dưới lòng moong, ông Trịnh Hồng Ngân – Q.Giám đốc Công ty than Khánh Hòa, giới thiệu với chúng tôi về hệ thống camera hồng ngoại đã được lắp đặt ở tất cả các vị trí quan trọng trên khai trường của đơn vị từ hơn một năm nay. Như vậy, từ phòng làm việc hay bất cứ ở đâu, Giám đốc Công ty cũng đều theo sát tình hình sản xuất và những biến động dù là nhỏ nhất ở các điểm trên moong than, từ đó có những chỉ đạo nhanh và khắc phục kịp thời khi xảy ra các sự cố, đồng thời thử nghiệm để tinh giản lao động trong khâu chấm chuyến đầu đường.
Có thể nói, việc đầu tư, lắp đặt hệ thống camera moong giám sát chỉ là một trong rất nhiều những giải pháp mà Than Khánh Hoà đã tích cực triển khai để từng bước vượt qua khó khăn, nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, duy trì sự ổn định của đơn vị. Với đặc thù cũng như tình hình thực tế ở Than Khánh Hoà hiện nay, đó là những điều tiên quyết, không thể khác được. Lý giải rõ hơn về vấn đề này, ông Trịnh Hồng Ngân cho biết, “nút thắt” mấu chốt nhất với Công ty thời điểm này vẫn là những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu diện tích khai thác, nhất là diện đổ thải, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của đơn vị. Nếu không giải quyết được triệt để vấn đề này thì đã có thời điểm nguy cơ phải đóng cửa mỏ là hiện hữu.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Lê Minh Chuẩn cùng TGĐ VVMI – Trần Hải Bình kiểm tra dự án khai thác hầm lò Than Khánh Hòa
Cùng với hàng loạt những biện pháp trong tổ chức sản xuất, tập trung quản trị tốt chi phí… có lẽ việc vào cuộc quyết liệt trong công tác điều hành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người lao động, bước đầu chính là “lời giải” cho “bài toán khó” nêu trên. Lãnh đạo Tập đoàn đã cử các đoàn công tác đến thực tế tại Công ty để nắm bắt tình hình. Tổng Giám đốc Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc – Trần Hải Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát để chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc cho Than Khánh Hoà. Đồng thời, lãnh đạo Tổng Công ty cùng đơn vị còn thường xuyên tổ chức các buổi họp phối hợp với chính quyền địa phương để nắm bắt tâm tư và giải quyết nguyện vọng của những người dân bị thu hồi đất. “Dù cũng chỉ là một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhưng chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi từ địa phương. Cùng với Công ty, lãnh đạo huyện Đại Từ đã nhiều lần trực tiếp đối thoại với dân, tháng 5/2017 vừa qua, đồng chí Đoàn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì hội nghị đối thoại với đại diện gần 200 hộ dân có đất thu hồi trên địa bàn xã An Khánh thuộc dự án mở rộng bãi thải Tây, và chỉ đạo quyết liệt trong việc đảm bảo an ninh trật tự cho Công ty than Khánh Hoà sản xuất trên diện tích đất đã giao” – ông Trịnh Hồng Ngân nhấn mạnh.
Mặt khác, không chỉ sản xuất mà tình hình tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm 2017 của Công ty gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5 đã có những khởi sắc nhất định. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017, dự kiến về cơ bản, Than Khánh Hoà sẽ hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch Tổng Công ty giao. Điều quan trọng, CBCNV – LĐ Công ty tư tưởng ổn định, yên tâm và đồng lòng chia sẻ cùng đơn vị, không có bất cứ đơn thư khiếu nại nào.
Dự án than hầm lò: không đơn thuần là hiệu quả kinh tế
Cùng với những khó khăn trong khai thác lộ thiên thì những năm qua, việc triển khai Dự án khai thác hầm lò vẫn luôn là vấn đề đau đầu của lãnh đạo Than Khánh Hòa nói riêng, Tổng Công ty CN mỏ Việt Bắc nói chung trong việc xử lý nguy cơ bục nước và xử lý chống cháy. Hiện nay, Công ty đang tiếp tục triển khai “Dự án khai thác hầm lò rìa moong – Than Khánh Hòa”. Năm 2016, Công ty tập trung đào lò chuẩn bị sản xuất, sản lượng than khai thác là 50.000 tấn.
Trao đổi cụ thể hơn, lãnh đạo Công ty cho biết, kết thúc năm 2016, trữ lượng khai thác đã được phê duyệt còn trên 16 triệu tấn độ sâu tối đa -400, trữ lượng địa chất hơn 53 triệu tấn than, còn đánh giá chưa đầy đủ là khoảng 90 triệu tấn. Mặc dù trữ lượng tài nguyên rất lớn nhưng tập trung dưới sâu. Hơn nữa, mỏ gần thành phố, công tác đền bù giải phóng mặt bằng khó khăn, chi phí sản xuất cao nên việc khai thác lộ thiên dưới mức -400 không hiệu quả. Để khai thác tối đa nguồn tài nguyên cần nghiên cứu khai thác hầm lò phần sâu. Chưa kể, điều kiện địa chất ở Than Khánh Hoà rất phức tạp, than có tính tự cháy. Với những nội dung nêu trên, dự án khai thác hầm lò rìa moong lộ thiên không chỉ đơn thuần là mang hiệu quả về mặt kinh tế mà đây có thể coi là một phương án thử nghiệm quan trọng trước khi quyết định đầu tư khai thác hầm lò dưới sâu với công suất lớn, đồng thời cũng là cơ sở áp dụng “công nghệ khai thác hầm lò với than tự cháy” cho những mỏ có điều kiện tương tự ở Quảng Ninh.
Chia tay các anh, các chị trên moong than vẫn đang nhộn nhịp với không khí lao động hăng say, tiếng máy rộn ràng trong ánh nắng trải vàng, chúng tôi không khỏi bịn rịn, tiếc nuối. Sau nhiều năm trở lại Than Khánh Hoà, vẫn vẹn nguyên trong chúng tôi là hình ảnh những con người đáng yêu, đáng quý, hình ảnh một mỏ than nơi chiến khu Việt Bắc oằn mình vượt khó nhưng luôn vững vàng và ăm ắp một niềm tin chắc chắn rằng: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Liên kết mạng xã hội: